Đến Khu di tích lịch sử quốc gia Pắc Pó, Cao Bằng mới được quy hoạch, đầu tư khá quy củ, xây dựng khang trang, sạch đẹp. Từ bãi để xe, du khách được vận chuyển đến chân khu di tích bằng xe điện, vừa giúp thoải mái ngắm cảnh, hòa lẫn không khí trong lành, bình yên của núi rừng xanh ngút ngàn. Điểm khác biệt nữa là trên đường đi thăm quan du khách không gặp bất cứ sự phiền toái, chèo kéo mua hàng, hay hình ảnh phản cảm nào từ đội quân bán hàng rong. Bởi khu di tích được thiết kế đường ra, vào riêng biệt, nên không có chuyện du khách ngược chiều, va chạm nhau, gây ùn tắc, chen lấn, xô đẩy khi có đông người. Trên đường đi ra được quy hoạch, đầu tư một qua một điểm nghỉ chân tập trung được thiết khá đẹp, phù hợp với không gian xung quanh. Tại đây du khách vừa có thể nghỉ ngơi, uống nước, thưởng thức và mua các loại đặc sản của địa phương về làm quà. Có rất nhiều sản vật của địa phương với mẫu mã bắt mắt, chỉ dẫn rõ ràng, bao bì đẹp, nhất là các sản phẩm OCOP được bày bán, giới thiệu nhiều đến du khách. Kết quả thấy rõ nhất là trong đoàn ai cũng túi lớn, túi nhỏ những sản phẩm địa phương về làm quà...
Trông người lại ngẫm đến ta. Tại khu di tích lịch sử Tân Trào, các loại xe máy, ô tô phóng đến tận chân di tích khiến du khách không có cảm giác được hòa vào thiên nhiên, cảm giác được trải nghiệm sự khó khăn, nghiêm ngặt khi đến một di tích cách mạng. Dọc đường vào di tích hàng quán bán hàng lụp xụp, sản phẩm thì theo kiểu cây nhà lá vườn như gạo, mật ong, rau rừng, cây thuốc... chưa kể một số sản phẩm đồ lưu niệm chủ yếu là hàng Trung Quốc hoặc nhập từ các địa phương khác về bán. Nhìn chung là chưa có sản phẩm đặc trưng, bán theo kiểu nhà có gì bán nấy, chứ chưa bán những sản phẩm khách du lịch cần. Chưa kể các điểm bán hàng có hiện tượng chèo kéo khách du lịch tại các điểm di tích ít nhiều tạo ra sự phiền hà cho du khách. Điều quan trọng là hiệu quả bán hàng không cao, bởi có rất ít du khách mua sắm ở đây bởi sự đa dạng, chất lượng của hàng hóa và ngay cả cách tiếp cận khách du lịch chưa thực sự chuyên nghiệp...
Nhìn xa hơn cũng chính bởi tư duy bán thứ mình có mà chưa chú trọng đến bán thứ du khách cần nên các sản phẩm, quà tặng của tỉnh cũng khá nghèo nàn, chưa chú trọng bao bì, mẫu mã hấp dẫn. Cũng là tinh bột nghệ, cũng là chè, là rượu... nhưng của ta mới ở dạng sơ chế trong khi đó nhiều tỉnh đã xây dựng các sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao, mẫu mã, bao bì hấp dẫn, bắt mắt như tinh bột nghệ na nô, cao chè... Chẳng thế bao năm qua túi quà “truyền thống” khi có khách khứa, bạn bè đến chơi vẫn chỉ là túi măng khô, hộp chè, chai mật ong...
Thiết nghĩ, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế: du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, các lễ hội truyền thống đặc sắc nhưng du lịch vẫn chưa “cất cánh”, phải chăng một phần cũng chính từ sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.
Tiềm năng du lịch của chúng ta rất lớn, mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng về tự nhiên và văn hóa khác nhau. Do đó, cần tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng, riêng có đáp ứng nhu cầu, thị hiếu du khách. Đồng thời, liên kết các sản phẩm du lịch để tạo thành chuỗi dịch vụ giúp du khách trải nghiệm nhiều điểm đến trong một hành trình khám phá mảnh đất, con người Tuyên Quang. Đồng thời, tận dụng lợi thế về công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội... để quảng bá, cung cấp những thông tin về điểm đến, dịch vụ tốt nhất cho du khách. Điều quan trọng là phải có sự tương tác đối với khách du lịch để nắm bắt nhu cầu, sở thích, thị hiếu và phản hồi sau mỗi chuyến đi để tạo ra những tua, tuyến, những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có tính đặc trưng, phù hợp, hấp dẫn du khách theo phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Qua đó, tạo dựng hình ảnh vùng đất, con người Tuyên Quang thân thiện, mến khách với các hoạt động du lịch hướng tới sự chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong tương lai gần.
Gửi phản hồi
In bài viết